Ban hành Quy trình điều tra và Quy trình tạm thời thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh
Ngày 05/6/2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 202 và 203/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy trình tạm thời thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong giai đoạn khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao và Quy trình kiểm tra thông tin về tội phạm, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan điều tra VKSND tối cao
Theo đó, Quy trình tạm thời thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong giai đoạn khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao được ban hành kèm theo Quyết định số 202/QĐ-VKSTC ngày 05/6/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao. Quy trình này áp dụng đối với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương trong việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong giai đoạn khởi tố, điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Quy trình gồm 04 Chương, với 12 Điều và có những nội dung cơ bản sau:
(1) Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4): Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, yêu cầu khi thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và những trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
(2) Chương II. Trình tự ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (Từ Điều 5 đến Điều 8): Quy định trình tự, thủ tục chuẩn bị, tiến hành và kết thúc việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can và trình tự thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong trường hợp khác.
(3) Chương III. Bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (từ Điều 9 đến Điều 10):
(4) Chương IV. Điều khoản thi hành (gồm Điều 11 và Điều 12) quy định về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
Quy trình kiểm tra thông tin về tội phạm, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ-VKSTC ngày 05/6/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao. Đây là quy định riêng, áp dụng trong hoạt động kiểm tra thông tin về tội phạm; giải quyết nguồn tin về tội phạm; khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Quy trình gồm gồm 06 Chương, với 48 Điều và có những nội dung cơ bản sau:
(1) Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 10): Quy định về những vấn đề chung trong hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao như nguyên tắc hoạt động, trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, những trường hợp phải báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao…
(2) Chương II. Quy trình kiểm tra thông tin về tội phạm (từ Điều 11 đến Điều 13): Quy định trình tự, thủ tục từ khi tiếp nhận, đăng ký thụ lý đến khi kết thúc kiểm tra thông tin về tội phạm.
(3) Chương III. Quy trình giải quyết nguồn tin về tội phạm (từ Điều 14 đến Điều 16): Quy định về quy trình giải quyết nguồn tin về tội phạm từ khi thụ lý đến khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ban hành kiến nghị.
(4) Chương IV. Quy trình khởi tố, điều tra vụ án hình sự (từ Điều 17 đến Điều 40): Quy định về quy trình khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; quy trình áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, như bắt bị can để tạm giam, giữ người trong trường hợp khẩn cấp…; quy trình áp dụng các biện pháp cưỡng chế; quy trình thực hiện các biện pháp điều tra như đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét, tạm giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể…
(5) Chương V. Quy trình tạm đình chỉ điều tra, kết thúc điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại (từ Điều 41 đến Điều 46): Quy định về trình tự, thủ tục trong việc tạm đình chỉ điều tra vụ án; quy trình kết thúc điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại. Bên cạnh đó, Chương V còn quy định trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
(6) Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm Điều 47 và 48): Quy định hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
Việc xây dựng 02 quy trình trên đã hoàn thiện thể chế phục vụ cho hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, góp phần xây dựng Cơ quan điều tra VKSND ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp./.
Hiển Nguyễn (giới thiệu)
Tin khác đã đăng
- Ra mắt bộ phim truyền hình “Hành trình công lý” 06/10/2022
- Quy định mới về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức 17/08/2020
- Hồ Chí Minh-Nguồn cảm hứng bất tận về cách mạng và văn hóa của nhân loại 18/05/2020
- Quy định giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước 03/03/2020
- Nâng cao chất lượng công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao 24/12/2019
Chưa có bình luận nào