Cơ quan điều tra VKSND tối cao tập huấn công tác quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ và lập danh, chỉ bản



Nhằm tăng cường năng lực Cơ quan điều tra VKSND tối cao, đáp ứng yêu cầu đấu tranh tội phạm trong tình hình mới, thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2022, được sự đồng ý của Lãnh đạo VKSND tối cao, Cơ quan điều tra VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ và công tác lập danh, chỉ bản cho toàn thể Điều tra viên, Cán bộ điều tra và công chức làm nghiệp vụ của Cơ quan điều tra VKSND tối cao tại trụ sở chính Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội nghị có toàn thể Lãnh đạo, Điều tra viên, Cán bộ điều tra và công chức làm nghiệp vụ của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Báo cáo viên tại Hội nghị là đồng chí Thượng tá Trần Viết Dũng, Phó Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an.

Hội nghị được tổ chức tại phía Nam (Đại diện Thường trực Cơ quan điều tra VKSND tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh) trong 02 ngày 22,23/8/2022 và tại trụ sở chính Hà Nội trong 01 ngày 26/8/2022.

Toàn cảnh Hội nghị tại trụ sở chính Hà Nội
Toàn cảnh Hội nghị tại Tp. Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc Hội nghị tổ chức ngày 26/8/2022 tại Hà Nội, đồng chí Lê Xuân Lộc, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhấn mạnh: Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Hội nghị tập huấn nhằm mục tiêu trang bị cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có đủ kỹ năng thao tác thực hành, cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ đảm bảo an toàn, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng chí Lê Xuân Lộc, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, Thượng tá Trần Viết Dũng, Phó Trưởng phòng 3, C06 Bộ Công an đã khái quát lại một số nội dung cơ bản của luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, Luật số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều chỉnh của Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;  Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý luật, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ…

Đồng chí Thượng tá Trần Viết Dũng, Phó Trưởng phòng 3, C06 Bộ Công an báo cáo viên tại Hội nghị

Cùng với đó, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an truyền đạt một số nội dung cơ bản như: Kiến thức pháp luật về công tác quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; cấu tạo, tính năng, tác dụng của từng loại công cụ hỗ trợ; công tác quản lý, bảo quản công cụ hỗ trợ, quản lý kho, nơi cất giữ công cụ hỗ trợ; kỹ năng sử dụng đối với từng loại công cụ hỗ trợ…

Đồng chí Thiếu tá Đỗ Anh Tuấn, C06 Bộ Công an hướng dẫn sử dụng công cụ hỗ trợ

Kết thúc tập huấn, Điều tra viên, Cán bộ điều tra tham dự Hội nghị sau khi thông qua bài kiểm tra sát hạch sẽ được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an cấp chứng chỉ quản lý (đối với cán bộ phụ trách quản lý), giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ để phục vụ hoạt động điều tra trong thời gian tới.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao được hướng dẫn sử dụng công cụ hỗ trợ

Theo quy định tại khoản 5 Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nêu rõ: “Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản của người bị khởi tố và đưa vào hồ sơ vụ án”. Công tác lập danh bản, chỉ bản là một trong những hoạt động do Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra thực hiện. Việc tập huấn cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao về các thao tác, kỹ thuật trong công tác lập danh, chỉ bản là vô cùng cần thiết. Tại Hội nghị, toàn thể công chức tham gia được “cầm tay chỉ việc”, thực hành trực tiếp các thao tác lập danh, chỉ bản, phục vụ công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra trong thời gian tới ngày càng chuyên nghiệp./.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hành lập danh, chỉ bản

Bích Phương

Chưa có bình luận nào

Tin khác đã đăng